Các quốc gia trên toàn cầu từ đầu năm 2022 tới nay đều phải vật lộn để chống chọi với giá xăng dầu liên tục tăng cao do tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga – Ukraine cùng lệnh cấm vận của phương Tây nhằm vào Nga, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới; cũng như việc phong tỏa nhiều thành phố, trung tâm kinh tế lớn ở Trung Quốc nhằm phòng, chống dịch Covid-19.
Thế giới ứng phó thế nào với “cơn bão” giá nhiên liệu?
Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã hồi phục và tăng lên nhanh chóng từ cuối năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu dần hồi phục do nhiều quốc gia kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 hoành hành suốt hơn 1 năm trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng. Sự leo thang của cuộc khủng hoảng Ukraine cùng những thông tin về việc Nga mở chiến dịch quân sự càng đẩy giá mặt hàng nhiên liệu sống còn này gia tăng thêm.
Giá dầu thế giới từ tháng 4 tới nay dù trồi sụt thất thường song vẫn ở mức khá cao, nhất là sau khi các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận cấm nhập dầu của Nga trong khi Trung Quốc nới lỏng phong tỏa.
Việc giá mặt hàng nhiên liệu đầu vào thiết yếu với nền kinh tế liên tục duy trì ở mức cao đã trở thành tác nhân quan trọng, cùng với sự khan hiếm và đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, gây ra nạn lạm phát cao trên toàn thế giới. Giá dầu quá cao trong thời gian dài đã trở thành chủ đề nóng tại hầu khắp các quốc gia phải nhập khẩu “vàng đen”, khiến giá cả tăng vọt, tác động tiêu cực tới cuộc sống của những người làm công ăn lương, người thu nhập thấp.
Dù rằng vận hành theo cơ chế thị trường, giá nhập vào tăng thì giá bán lẻ trong nước tăng và ngược lại, song do tính chất đặc biệt quan trọng và nhạy cảm của giá xăng dầu đối với giá cả hàng hóa khác cũng như tác động tới lạm phát, các cơ quan trách nhiệm nước ta thời gian qua đã áp dụng các biện pháp để kìm hãm giá mặt hàng nhiên liệu thiết yếu này. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng từ mức 4.000 đồng/lít xuống còn 2.000 đồng/lít, tức giảm 50%.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân cả nước với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31-12-2022 như sau: Xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Đánh giá tác động của việc giảm thuế này, Bộ Tài chính cho rằng, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) khoảng 1.400 tỉ đồng/tháng. Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7-2022 và có hiệu lực từ ngày 1-8-2022 thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) là khoảng 7.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và nhất là doanh nghiệp và người dân cả nước cùng cho rằng trong bối cảnh giá xăng dầu cao kỷ lục hiện nay, rất cần nhanh chóng giảm thuế môi trường cũng như các thuế khác với xăng dầu để “hạ nhiệt” giá mặt hàng này. Việc giảm thuế có thể làm giảm thu ngân sách, song điều này có tác động lan tỏa, kích thích tăng trưởng ở các lĩnh vực, ngành kinh tế khác, qua đó giúp bù đắp nguồn thu ngân sách, đặc biệt là giảm thiểu gánh nặng khó khăn do giá cả tiêu dùng tăng cao với đại đa số người lao động, người thu nhập thấp và người nghèo.